Hành trình đi tìm sự công bằng ở thị trường trong nước của thép không gỉ

Đánh giá

Ngành thép không gỉ của Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn, giống như câu chuyện của 10 năm trước, nhưng ở quy mô lớn hơn, phức tạp hơn…

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã công bố với các cổ đông và công chúng về việc ngừng nghiên cứu và sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.

Trước đó, việc nghiên cứu thép không gỉ là một bước đi có kế hoạch bài bản của tập đoàn sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á khi Hòa Phát đã hợp tác với Danielli, nhà sản xuất thép danh tiếng hàng đầu Italia. Nhưng vì sao một nước đi phù hợp với định hướng của Tập đoàn là làm thép cao cấp lại bị hủy bỏ sau một thời gian nghiên cứu khá dài?

Nguyên nhân chính mà ông Long đưa ra cho việc ngừng nghiên cứu và sản xuất thép không gỉ là “Việt Nam không có lợi thế trong việc sản xuất thép không gỉ, do Việt Nam không có nguồn cung quặng nickel”, một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để chế tạo và đảm bảo chất lượng của thép không gỉ. Ở Châu Á, hai nước có nguồn cung quặng nickel lớn là Trung Quốc và Indonesia.

“Nếu Hòa Phát làm thì sẽ thua”, ông Long nhấn mạnh. Khi Hòa Phát “buông tay”, các doanh nghiệp Việt Nam khác còn lại trong ngành có thể phát triển được không?

Áp lực từ các thị trường khu vực

Theo thống kê, mỗi năm sản lượng thép không gỉ trên toàn thế giới khoảng 55 triệu tấn. Trong số đó, Trung Quốc sản xuất 36 triệu tấn, chiếm 65%, Indonesia sản xuất 5,5 triệu tấn, chiếm khoảng 10%, đúng với lợi thế của mình về nguồn quặng nickel. Trung Quốc và Indonesia cũng chiếm phần lớn trong xuất khẩu thép không gỉ của thế giới. Năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu 3,4 triệu tấn, Indonesia xuất khẩu 2,7 triệu tấn, lần lượt chiếm 20,7% và 16,4% tổng lượng xuất khẩu của thế giới.

Ở Việt Nam, hiện nay sản lượng hàng năm khoảng gần 1 triệu tấn thép (thép không gỉ cán nguội), không kể các sản phẩm hạ nguồn như các loại ống thép không gỉ, bồn chậu inox, v.v… Trong đó, nguồn tiêu thụ nội địa khoảng hơn 120.000 tấn (chiếm 12-15% sản lượng), còn lại là xuất khẩu ra nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu về thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam và tham gia xuất khẩu.

Nhưng nhu cầu thép không gỉ cán nguội ít ỏi đó luôn luôn thường trực bị hàng nhập khẩu nuốt chửng khi Việt Nam đứng cạnh hai gã khổng lồ thép không gỉ. Với năng lực xuất khẩu thép không gỉ cán nguội mỗi năm 5,8 triệu tấn, chỉ 4,3% trong số đó là đã vượt lượng cầu trong nước của Việt Nam.

Hàng sản xuất trong nước gần như chỉ có lợi thế cạnh tranh vì hiểu biết thị trường tường tận hơn, thời gian vận chuyển và giao hàng ngắn hơn so với hàng nhập khẩu. Nhưng đó là lúc hàng nước ngoài cạnh tranh sòng phẳng, còn lúc họ “chơi chiêu” bằng các hành vi không lành mạnh (như bán phá giá, hay gian lận chất lượng) thì hàng Việt Nam gần như không có cửa để cạnh tranh với họ. Cái khó luôn luôn thường trực và đeo đẳng ngày này qua tháng khác, khiến doanh nghiệp luôn trong trạng thái “mệt mỏi” vì cạnh tranh.

Thép không gỉ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhìn lại thì thấy thực ra ngành thép không gỉ ở Việt Nam chỉ mới có 15 năm phát triển và trưởng thành, với hai cái tên đầu tiên là Hòa Bình (Hưng Yên) và Posco (Đồng Nai).

Ở phía Nam, năm 2009, Posco mua lại nhà máy thép không gỉ công suất 30.000 tấn/năm của ASC và nâng công suất lên 75.000 tấn/năm. Đến năm 2011, Posco quyết định tiếp tục nâng công suất nhà máy lên 250.000 tấn/năm và hoàn thành năm 2012 để đón đầu thị trường theo đà phát triển của kinh tế Việt Nam. Nhà máy thép không gỉ Posco VST tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch là nhà máy cán nguội thép không gỉ lớn nhất của Posco ở khu vực Đông Nam Á.

Ở phía Bắc, Hòa Bình, từ một xưởng thép ven đô Hà Nội, đã có một quyết định táo bạo khi đầu tư nhà máy thép không gỉ cán nguội khổ lớn, công nghệ châu Âu với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2010.

Nhưng các năm 2010-2013, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn về kinh tế với nhiều bất ổn vĩ mô. Lạm phát có lúc lên đến hơn 18% vào năm 2011, ngành xây dựng và bất động sản gần như tê liệt. Ngành thép không gỉ, là nguyên liệu đầu vào cho xây dựng và bất động sản, vì thế cũng lao đao trong nhiều năm. Các doanh nghiệp thép không gỉ vì thế phải chạy vạy khắp nơi để tìm đầu ra, ổn định sản xuất, sử dụng máy móc thiết bị vừa mới lắp đặt.

Gần đây, dịch Covid-19 và sự suy thoái của ngành bất động sản, các doanh nghiệp thép không gỉ trong 3 năm trở lại đây lại phải loay hoay xử lý những bài toán cũ, dù đã có kinh nghiệm hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Trải qua hơn 15 năm phát triển, đến nay, với sự gia nhập thị trường của Công ty Yongjin, là nhà đầu tư của Trung Quốc, năng lực sản xuất thép không gỉ cán nguội của Việt Nam đã xấp xỉ 1 triệu tấn, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Dù khó khăn và thua thiệt trong tương quan với các nước láng giềng khu vực, doanh nghiệp thép không gỉ của Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đều đã không ngừng nỗ lực để giữ thị phần, cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu của nước ngoài, góp phần ổn định thị trường, từng bước phát triển ngành còn non trẻ này.

Dòng nước mát tưới cho cánh đồng khô hạn

Dù gặp nhiều gian nan, bên cạnh sự tự nỗ lực vươn lên, sự phát triển của ngành thép không gỉ được như hiện nay không thể bỏ qua sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước như một “bà đỡ” của thị trường đã tạo ra không gian bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động và trưởng thành.

Từ năm 2014, Bộ Công Thương đã áp dụng và duy trì thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ nhập khẩu từ 4 nước Malaysia, Đài Loan, Indonesia và Trung Quốc.

Thời điểm năm 2014, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế với khá nhiều bất ổn vĩ mô. Ngành kinh doanh bất động sản gần như tê liệt trong giai đoạn năm 2012 – 2014, kéo theo ngành thép không gỉ cũng khó khăn trăm bề. Thuế chống bán phá giá của Bộ Công Thương tại thời điểm đó như dòng nước mát tưới cho cánh đồng khô hạn.

Trong vòng 10 năm, ngành đã có sự trưởng thành nhất định. Ngoài đáp ứng được nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp thép không gỉ đã tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu. Lượng xuất khẩu chiếm phần lớn sản lượng đầu ra của ngành.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, ngành cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, giống như câu chuyện của 10 năm trước nhưng ở quy mô lớn hơn.

Thứ nhất, ngành đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 và sự suy thoái của ngành bất động sản ở thị trường trong nước.

Thứ hai, công suất của ngành đã tăng lên gấp đôi trong giai đoạn 2020-2024 (từ khoảng 400.000 tấn/năm lên gần 1 triệu tấn/năm).

Thứ ba, hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng xuất khẩu của nước ngoài hiện nay rất khốc liệt do nguồn cung ở nước ngoài đang dư thừa một lượng rất lớn, luôn chầu chực để tràn vào Việt Nam

Thứ tư, nền kinh tế thế giới đang ở thời kỳ khó khăn, sức cầu vẫn chưa hồi phục.

Hiện nay, sau 10 năm áp dụng thuế, các doanh nghiệp đang cùng Bộ Công Thương đánh giá lại biện pháp thuế này có nên tiếp tục nữa hay không. Trong bối cảnh đó, nhiều người băn khoăn liệu có cần tiếp tục áp thuế nữa hay không, khi cho rằng 10 năm là một quãng thời gian đủ dài để cho các doanh nghiệp tái cấu trúc và vươn lên.

Mười năm là một khoảng thời gian không ngắn, nhưng so với sự phát triển của ngành thép không gỉ thế giới thì chưa thấm vào đâu. Ngành thép nói chung và ngành thép không gỉ nói riêng ở Việt Nam, chỉ mới có 15 năm phát triển, còn quá non trẻ so với lịch sử phát triển hàng thế kỷ của phương Tây, hay hàng nửa thế kỷ của Trung Quốc. Sức còn non trẻ, nguồn lực quá hạn chế, kinh nghiệm chưa nhiều, thì làm sao đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ?!

Thép nói chung và thép không gỉ nói riêng là một ngành có tỷ  suất đầu tư lớn với các thiết bị, máy móc siêu trường, siêu trọng, công nghệ sản xuất có chiều sâu, nên sẽ không dễ dàng có thêm một nhà đầu tư mới đổ tiền vào làm ăn trong ngành. Ví dụ về sự buông tay của Hòa Phát cũng cho thấy thị trường này khó khăn như thế nào.

Hơn 15 năm qua, Việt Nam chỉ có 3 doanh nghiệp sản xuất và bán thép không gỉ cán nguội. Còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hạ nguồn như ống thép, bồn chậu inox, và các sản phẩm hạ nguồn khác.

Trong khi đó, biện pháp phòng vệ thương mại, cụ thể là biện pháp chống bán phá giá là một công cụ để Nhà nước chống lại những hành vi thương mại không công bằng của một số thị trường trên thị trường nội địa Việt Nam, được luật pháp quy định và được WTO công nhận, để thiết lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường nội địa. Các nước cũng từng duy trì những biện pháp chống bán phá giá đến hàng chục năm (cá basa và tôm của Việt Nam vẫn phải chống chọi với thuế chống bán phá của Mỹ từ năm 2003 đến nay vẫn chưa dừng lại). Do đó, các hoạt động phòng vệ thương mại kịp thời bằng công cụ chính đáng, được luật pháp quy định sẽ là sự tiếp sức hữu ích cho doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Tập đoàn inox Gia Anh sẽ liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về giá kim loại trên thị trường để có thể đảm bảo các sản phẩm thép không gỉ từ công ty sẽ được ổn định giá và báo giá sớm nhất tới quý khách hàng.

Nguồn tin: Đầu tư

Ban thấy bài viết này thế nào?

Kém * Bình thường ** Hứa hẹn *** Tốt **** Rất tốt *****

Đánh giá