Thị trường kim loại ngày 05-01-2024: Đồng USD cao gây sức ép lên giá kim loại quý
Theo MXV, khép lại ngày giao dịch 4/1, giá các mặt hàng kim loại tiếp tục lao dốc chủ yếu là do áp lực vĩ mô. Đối với kim loại quý, giá bạch kim nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp, đóng cửa tại 966,3 USD/ounce. Ở chiều ngược lại, giá bạc phục hồi nhẹ 0,13% lên 23,18 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong khi đồng USD duy trì ở mức cao nhất trong hai tuần đã tiếp tục gây sức ép cho giá kim loại quý.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trên 4%, đảo chiều mạnh mẽ so với tuần trước, thời điểm lợi suất giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 3,78%. Trong khi đó, chỉ số Dollar Index vẫn đang neo tại mức cao nhất trong hơn hai tuần.
Trái phiếu bị bán tháo và đồng USD duy trì ở mức cao sau khi dữ liệu công bố hôm qua cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định, làm dịu kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào năm 2024.
Cụ thể, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước khoảng 202.000 đơn, thấp hơn 14.000 so với dự báo. Trong khi đó, Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP cho thấy Mỹ có thêm 164.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 11, cao hơn 49.000 so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.
Bên cạnh đó, khảo sát của S&P Global cho thấy hoạt động dịch vụ của Mỹ mở rộng với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) dịch vụ đạt 51,4 điểm trong tháng 12, cao hơn dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2023.
Loạt dữ liệu trên chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và thị trường lao động mạnh mẽ bất chấp môi trường lãi suất cao. Điều này đã làm giảm khả năng FED cắt giảm lãi suất trong năm sau. Theo CME FedWatch, kỳ vọng FED cắt giảm 25 điểm cơ bản trong tháng 3/2024 đã giảm xuống còn 62,3%, từ 70% vào ngày trước đó.
Tuy vậy, đối với bạc, mặc dù áp lực bán vẫn chi phối lên giá, tuy nhiên, giá đã ghi nhận mức hồi nhẹ trong phiên hôm qua nhờ lực mua kỹ thuật.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ năm liên tiếp, đóng cửa tại mức 3,84 USD/pound, sau khi để mất 0,45%. Giá quặng sắt cũng giảm 0,93% về 142,26 USD/tấn, chấm dứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Việc đồng USD mạnh lên khi nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng lãi suất cũng là yếu tố gây sức ép lên giá kim loại cơ bản.
Ngoài ra, rủi ro nguồn cung gián đoạn được xoa dịu cũng làm suy yếu lực mua quặng sắt. Hôm qua (4/1), tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ tư thế giới là Fortescue cho biết vận chuyển quặng sắt đã trở lại bình thường sau khi bị gián đoạn trong hai ngày.
Giá thép hôm nay trên sàn giao dịch
Giá thép hôm nay 5/1/2024: Giá thép giao tháng 5/2024 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 35 nhân dân tệ, ghi nhận mức 3.910 nhân dân tệ/tấn .
Vào hôm thứ Tư (3/1), giá quặng sắt kỳ hạn tăng phiên thứ hai liên tiếp, nhờ kỳ vọng về kích thích tài chính bổ sung tại quốc gia tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc và đặt cược vào tăng trưởng của ngành.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc chốt phiên với giá cao hơn 2,8% ở mức 1.017,5 nhân dân tệ/tấn (142,50 USD/tấn).
Giá thép chuẩn trên Sàn giao dịch kỳ hạnThượng Hải hầu hết đều tăng. Theo đó, hợp đồng cốt SRBcv1 tăng 0,5%, thép cuộn cán nóng SHHCcv1 tăng 0,6% và thép không gỉ SHSScv1 tăng 1,4%. Trong khi đó, thép thanh SWRcv1 không đổi.
Các nguyên liệu sản xuất thép khác trên Sàn DCE gồm than luyện cốc DJMcv1 và than cốc DCJcv1 lần lượt tăng 3,1% và 2,3%.
Trong một báo cáo, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, tổng công suất bổ sung trong ba năm tới là 150 triệu tấn.
Theo các nhà phân tích của Citi, việc bổ sung công suất mới dự kiến sẽ do Ấn Độ và ASEAN chi phối, phản ánh sự tập trung vào các thị trường mới nổi.
Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), giá quặng sắt SZZFG4 chuẩn giao tháng 2 tăng 0,6% lên 141,76 USD/tấn.
Dự báo tiêu thụ thép sẽ phục hồi 7% trong năm 2024
Ngành thép trải qua năm 2023 với nhiều biến động, tuy nhiên bước sang năm 2024 sẽ khởi sắc hơn.
Kể từ sau lần giảm giá thứ 19 vào tháng 9/2023, giá thép nội địa đã có khoảng thời gian hơn 2 tháng không biến động; đến cuối tháng 11, giá thép bắt đầu đảo chiều tăng 4 lần liên tiếp do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Kéo giá thép từ mức phổ biến hơn 13 triệu đồng/tấn lên mức phổ biến 14,7 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, mặt bằng chung của giá thép thời điểm này cũng chỉ ngang mức tháng 7/2023 và tương đương tháng 8/2022, vẫn nằm trong vùng giá thấp nhất 3 năm gần đây.
Kết thúc năm 2023, giá thép có tổng 29 đợt điều chỉnh tăng chính thức, với 19 đợt giảm và 10 đợt tăng. Điều này cho thấy xu hướng giảm giá là chủ đạo và giảm trung bình từ 9,6-10,4% so với năm 2022.
Tuy giá thép đang ở vùng giá thấp nhưng giới phân tích nhận định, giá thép có xu hướng ấm dần lên khi trong thời điểm cuối năm và đầu năm mới các doanh nghiệp thép liên tục tăng giá bán và sản lượng tiêu thụ cũng được cải thiện rõ rệt.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 11/2023 tăng so với các tháng trước và đạt mức cao nhất trong 20 tháng qua, đạt 1,1 triệu tấn, tăng 29% so với tháng trước và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 145.328 tấn, tăng 49% so với tháng 11/2022.
Đại diện VSA nhận định nền kinh tế trong nước có dấu hiệu khởi sắc những tháng gần đây nhưng tính chung cả năm 2023, lượng tiêu thụ thép sẽ giảm 8,6% so với năm 2022 xuống 20,3 triệu tấn.
Năm 2024, lượng sản xuất và tiêu thụ thép có thể đạt 29 triệu tấn và 21,67 triệu tấn, lần lượt tăng 6,7% và 7,4% so với năm 2023.
Tập đoàn inox Gia Anh sẽ liên tục cập nhật thông tin mới nhất về giá kim loại trên thị trường để có thể đảm bảo các sản phẩm thép không gỉ từ công ty sẽ được ổn định giá và báo giá sớm nhất tới quý khách.
Nguồn tham khảo: Báo Công thương
Ban thấy bài viết này thế nào?
Kém * Bình thường ** Hứa hẹn *** Tốt **** Rất tốt *****