Xuất khẩu thép cuộn cán nóng giảm gần một nửa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở thế khó
Tiêu thép HRC vẫn đang ở mức thấp so năm ngoái, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đang phải đối mặt rủi ro từ việc EU khởi kiện chống bán phá thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam.
Tiêu thụ thép HRC tiếp tục giảm
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất, tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) trong tháng 7 vẫn tiếp tục ảm đạm so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tiêu thụ thép HRC giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 578.000 tấn. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu 42% xuống 217.360 tấn.
Tính chung 7 tháng qua, lượng tiêu thụ HRC gần như tương đương so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm gần 29%. Năm nay, các doanh nghiệp tập trung cho việc bán hàng ở thị trường nội địa hơn là xuất khẩu. Trong cơ cấu thị trường tiêu thụ HRC, xuất khẩu chiếm 35%, giảm mạnh so với mức 50% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo phân tích mới đây của công ty chứng khoán VCBS, cho biết doanh số xuất khẩu HRC tăng mạnh trong năm 2023 và quý I/2024 tuy nhiên sụt giảm vào quý II/2024. Nguyên nhân chủ yếu tới từ sự phục hồi sản xuất của nhà sản xuất nội địa cũng như gia tăng sự bảo hộ cho sản phẩm thép HRC tại một số nơi trên thế giới.
Số liệu từ VSA cho thấy sản lượng tôn mạ – mặt hàng sử dụng HRC là nguyên liệu đầu vào, tăng mạnh.
Cụ thể, sản lượng tôn mạ trong tháng 7 tăng 30% lên hơn 511.000 tấn. Tiêu thụ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương tự lên 464.000 tấn.
Giá thép HRC vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Bình quân trong tháng 7, giá thép HRC giao dịch ở mức 520 USD/tấn giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đồng thời là mức thấp nhất kể tháng 8/2020. Đà giảm tiếp tục kéo dài đến đầu tháng 8 khi xuống còn 504 USD/tấn.
Những diễn biến của thị trường HRC không như doanh nghiệp kỳ vọng trước đó.
Chia sẻ với chúng tôi bên lề đại hội cổ đông diễn ra hồi tháng 4, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát kỳ vọng sản lượng và tiêu thụ thép của công ty phục hồi khoảng 10% trong đó, HRC sẽ phục hồi tốt hơn.
Ông phân tích “Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa khởi sắc, đặc biệt là ngành bất động sản. Do đó, thép xây dựng chưa thể phục hồi. Trong khi đó, các ngành chế tạo như sản xuất ô tô, đóng tàu, điện mặt trời đang trên đà phục hồi, kéo theo nhu cầu thép HRC sẽ tăng lên”.
Hiện tại, Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất thép HRC với công suất tối đa khoảng 8 triệu tấn là Formosa (5 triệu tấn) và Hoà Phát (3 triệu tấn).
Trong 7 tháng đầu năm nay, sản lượng thép HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng nhẹ gần 3% so với cùng kỳ. Như vậy, hiệu suất sử dụng của các nhà máy đạt khoảng 90%.
Trong một báo cáo công bố hồi cuối tháng 7, Hoà Phát cho biết sản lượng thép HRC quý II giảm 10% so với quý đầu năm đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Doanh nghiệp cho biết lượng thép HRC nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép HRC của Hòa Phát tại thị trường nội địa.
Cùng với đó giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II.
Những thách thức đến từ thị trường nội địa và xuất khẩu
Các doanh nghiệp sản xuất thép HRC đang phải đối mặt với áp lực cả thị trường trong nước và nhập khẩu.
Ở thị trường nội địa, lượng HRC nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, Ấn Độ tăng đột biến, cao hơn so với lượng sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước cao buộc hàng nhập khẩu đang bán phá giá.
Do đó, ngày 26/7, Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.
Bộ Công Thương cho biết bên yêu cầu điều tra đã cung cấp các cơ sở chứng cứ để chúng minh hành vi bán phá giá của hàng hoá, xác định biên độ phá giá của HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc ở mức 27,83%.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh với Trung Quốc nếu cạnh tranh công bằng. Bản thân chúng tôi nếu bán hàng xuất khẩu thấp hơn so với giá trong nước 2% thì chúng tôi cũng sẽ bị kiện”, ông Thắng nói.
Song, việc khởi kiện này vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép bởi HRC nhập khẩu là nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng của họ. Các doanh nghiệp này đồng thời cũng là khách hàng của Hoà Phát và Formosa. Điều này cũng tạo ra thế khó đối với ngành thép.
Ở thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước cũng đang phải đối diện với vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường EU.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, hôm 8/8, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào EU. Bên yêu cầu là Hiệp hội Thép châu Âu.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, lượng thép các loại của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đạt 1,6 triệu tấn tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép xuất khẩu tăng trong các tháng đầu năm và giảm so với cùng kỳ trong quý II.
Trong tháng 6, lượng thép xuất khẩu sang thị trường EU đã giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 210.000 tấn. Giá bán trung bình trong tháng 6 tăng 6% so với tháng 5 đạt hơn 710 USD/tấn nhưng giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
So sánh giá thép xuất khẩu với các nguồn cung thép khác cho EU trong 5 tháng đầu năm, thép của Việt Nam vẫn cao hơn giá thép của nhiều nước như Nga, Ukraine, Ai Cập ở mức 681 euro/tấn, theo số liệu Cơ quan Thống kê Châu âu (Eurostat).
Triển vọng HRC phụ thuộc vào các cuộc điều tra chống bán phá giá
VCBS cho rằng việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm HRC và tôn mạ tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sớm nhất sẽ có thể được ban hành vào tháng 10,11/2024.
VCBS đánh giá tác động của chính sách có khả thi và tạo sự ảnh hưởng nhất với sản phẩm HRC do sau khi Hoà Phát tăng công suất HRC từ dự án Dung Quất 2. Thị trường nội địa sẽ là nơi tiêu thụ chính, việc áp thuế CPBG có tác động lớn khi tới 60-70% tiêu thụ của ngành tới từ nhập khẩu.
VCBS cho rằng khả năng tiêu thụ được hàng của HPG phụ thuộc rất lớn vào chính sách phòng vệ thương mại với HRC Trung Quốc do thép giá rẻ cạnh tranh gắt gao với thép nội địa. Nhóm phân tích cho rằng có thể xảy ra tình trạng cung vượt cầu sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động nếu thuế chống bán phá giá không được áp dụng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VCBS cho rằng lượng tiêu thụ HRC dự kiến khó khăn hơn trước các chính sách bảo hộ từ thị trường xuất khẩu.
Nguồn tin: Vietnambiz
Ban thấy bài viết này thế nào?
Kém * Bình thường ** Hứa hẹn *** Tốt **** Rất tốt *****